Hiển thị các bài đăng có nhãn Bình luận. Hiển thị tất cả bài đăng

Tại các nước phát triển và các thành phố lớn trên thế giới, hệ thống tượng đài và không gian nghệ thuật đô thị thường là những nét văn hóa hấp dẫn, khó quên và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với du khách.

Là một trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thế nên việc cần có một không gian nghệ thuật đô thị đúng chuẩn, hiện đại cho TPHCM là yêu cầu hết sức cần thiết.


Vườn tượng mỹ thuật trong Công viên Tao Đàn. Ảnh: AN DUNG

Chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Không gian nghệ thuật nào dành cho một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn hàng đầu cả nước, một đô thị đặc biệt như TPHCM? Nói chính xác ra là chưa. Từ nhiều năm nay, vấn đề này vẫn luôn thu hút sự quan tâm không chỉ của những người trong giới mỹ thuật, nghệ thuật. Câu chuyện xây dựng một không gian nghệ thuật hiện đại và đúng chuẩn, để xứng tầm với một đô thị hiện đại như TPHCM đã được đặt ra tại rất nhiều hội nghị, hội thảo, nhưng đến nay có vẻ vẫn chưa thấy câu trả lời nào thật sự lạc quan.

Tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, dù khuôn viên còn hạn chế, tuy nhiên nhà trường vẫn dành những khoảng không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho việc giảng dạy, học tập của sinh viên. Lẽ đương nhiên, những không gian này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong sân chơi sáng tạo mà sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật cần phải có.

Nói đâu xa, nhìn lại nơi giao lưu sinh hoạt nghề nghiệp và sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ TPHCM tại Hội Mỹ thuật TPHCM mà không khỏi xót xa bởi tình trạng cũ kỹ và cơ sở vật chất đã xuống cấp. Một hội chuyên ngành mỹ thuật lớn nhất nước, thu hút một lực lượng nghệ sĩ tham gia sinh hoạt hùng hậu nhất cả nước với gần 700 hội viên, thế nhưng không có nổi một không gian trưng bày nghệ thuật cho đàng hoàng, mơ gì đến hiện đại hay đúng chuẩn! Hàng trăm hội viên sinh hoạt nhưng hội chỉ có một vài phòng trưng bày chật hẹp, nhỏ xíu. Triển lãm nhỏ chừng vài chục tác phẩm thì còn có thể tạm chen chúc, còn con số tác phẩm lên hàng trăm thì phải cậy nhờ đến nơi khác, thường nhất là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM hỗ trợ.

Gần đây nhất là cuối năm 2015, Bộ VH-TT-DL đã phối hợp UBND TPHCM lần đầu tiên tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, với mong muốn đầu tư cho các công trình kiến trúc nghệ thuật trong Quy hoạch không gian công cộng ở TPHCM. Lãnh đạo TP nhấn mạnh thực trạng và tính cấp thiết của việc bổ sung các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc trong một số không gian công cộng tại TPHCM, nhất là khu vực trung tâm TP. Cần thiết hơn là khi một số công trình lớn TP đã và đang hoàn thành, sẽ rất cần những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ngoài trời để làm đẹp thêm cảnh quan đô thị của TP.

Trại sáng tác thu hút sự tham gia của các điêu khắc gia trong nước và quốc tế, tuy nhiên kết quả vẫn chưa mấy khả quan. Theo nhà điêu khắc - PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM: “Thường ở các nước, người ta quy hoạch trước mới làm trại sau. Như ở thành phố Trường Xuân, Cát Lâm, Trung Quốc người ta quy hoạch một tượng đài trung tâm, sau đó quy hoạch tiếp các vị trí và chủ đề cho các tượng còn lại. Lúc này họ mới đặt hàng các điêu khắc gia.

Ở châu Âu như Pháp chẳng hạn, khi quy hoạch xây dựng trung tâm TP, trung tâm kinh tế thương mại, hay một khu vui chơi giải trí... người ta đều bắt buộc dành một tỷ lệ nhất định cho không gian nghệ thuật đô thị. Còn ở ta thì khá ngược đời, trại điêu khắc thường làm theo hai dạng. Thứ nhất là nhằm phục vụ dịp lễ hội, festival nào đó như một sự kiện. Thứ hai là làm kiểu phong trào, thấy chỗ khác làm mình cũng làm. Chính vì vậy, mới có chuyện tổ chức trại sáng tác nhưng tượng làm xong không biết để đâu”.

Khách xem triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ TPHCM 2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: Lê Minh

“Khát” không gian nghệ thuật

Ngoài hệ thống các nhà triển lãm và các phòng tranh tư nhân phát triển riêng lẻ, quy mô nhỏ và manh mún, một trong những nơi được xem là “được” nhất trong trưng bày nghệ thuật hiện nay là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Đây là nơi giao lưu, sinh hoạt nghệ thuật lý tưởng cho giới họa sĩ, văn nghệ sĩ với hàng chục cuộc triển lãm quy mô lớn hàng năm. Tuy nhiên, chỉ một Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thì chưa đủ, nếu không muốn nói là quá thiếu. Đó là chưa kể thời gian gần đây, trong tình thế khó khăn, nơi này được tận dụng để làm nơi giữ xe khiến không gian thực sự dành cho nghệ thuật đang dần bị thu hẹp.

Hơn 1 năm trước, The Factory Contemporary Art Center (FCAC - địa chỉ 15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2) đã “chào sân” những người yêu mến nghệ thuật tại Sài Gòn bằng một triển lãm liên hoàn kéo dài trong sáu tuần. Triển lãm do nhóm nghệ sĩ: Uudam Trần Nguyễn, Truc-Anh, Lê Thanh Tùng, Cao Hoàng Long, Nguyễn Hồng Ngọc Nâu và Thierry Bernard-Gotteland tổ chức dưới cái tên chung TechNoPhobe (tạm dịch: Những người bị ám ảnh bởi công nghệ). Lần đầu tiên, các nghệ sĩ sử dụng công nghệ mới và hiện đại bậc nhất như máy in 3D, kỹ thuật trình chiếu toàn ảnh (video holograms), các tác phẩm sử dụng hệ thống cảm ứng âm thanh, ứng dụng điện thoại thông minh, video cảm ứng chuyển động, hoạt hình để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Bên cạnh những không gian nghệ thuật mở, FCAC còn có không gian dành cho thư viện sách nghệ thuật, không gian để làm việc nhóm, không gian thưởng thức cà phê... trên tổng diện tích khoảng 1.000m². Khách thưởng lãm có thể tham gia các khóa học, buổi nói chuyện chuyên sâu về nghệ thuật đương đại hoàn toàn miễn phí…

Người sáng lập ra trung tâm nghệ thuật đương đại này là Thủy Nguyễn, một nhà thiết kế thời trang. Sự ra đời của không gian nghệ thuật FCAC được đánh giá đã phần nào giải tỏa được “cơn khát” không gian nghệ thuật mới, nhất là cho giới trẻ bấy lâu nay tại TPHCM.

Một không gian thực hiếm hoi như FCAC - Trung tâm Nghệ thuật đương đại được đánh giá đúng chuẩn đầu tiên của TPHCM đã hoạt động ổn định và ngày càng thu hút giới trẻ. Trung tâm hoàn toàn do tư nhân, nghệ sĩ tự thân vận động mà có… Những khát khao về một không gian nghệ thuật đúng nghĩa cho TPHCM, liệu có còn xa?

Cái gì sẽ là đặc trưng văn hóa cho TPHCM?

Theo họa sĩ - Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, TP hiện nay tuy có nhiều công trình điêu khắc hoành tráng nhưng vẫn thiếu công trình xứng tầm, làm điểm nhấn cho không gian văn hóa đô thị thành phố và 24 quận, huyện. TP đang mất cân đối về số lượng, tỷ lệ, chủ đề tượng đài; các chủ đề như văn hóa, mỹ thuật... hầu như vắng bóng trong không gian đô thị. “Sài Gòn - TPHCM đến nay đã trên 300 năm, cái gì sẽ là đặc trưng văn hóa cho đô thị đặc biệt này để góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ sau này?”, họa sĩ Uyên Huy tâm tư.

Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu các cán bộ, công nhân, viên chức… ...

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Đời sống & Pháp lý
Được tạo bởi Blogger.