Khi bị cảm cúm, cảm giác khó chịu nhất là bị nghẹt mũi. Với trẻ nhỏ thì điều này càng khó chịu hơn. Bé hít thở sẽ khó khăn hơn nhiều vì cấu tạo hô hấp của trẻ và người lớn khác nhau.
Ở trẻ nhỏ, mũi và khoang hầu tương đối ngắn và nhỏ, lỗ mũi và ống mũi hẹp vì vậy sự hô hấp bằng đường mũi còn hạn chế. Niêm mạc mũi mỏng, mịn, lớp ngoài của niêm mạc gồm các biểu mô hình trụ giàu mạch máu và bạch huyết. Chức năng hàng rào của niêm mạc mũi ở trẻ nhỏ còn yếu do khả năng sát trùng với niêm dịch còn kém, trẻ dễ bị viêm nhiễm mũi họng.
Trẻ bị nghẹt mũi nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn, đôi khi dị ứng cũng làm trẻ bị ngạt mũi. Thông thường trẻ sẽ bị nghẹt mũi khoảng mấy ngày, nếu để nặng hơn thì trẻ sẽ rất khó chịu, thở khò khè, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của trẻ. Ngay khi phát hiện bé bị ngạt mũi, mẹ có thể áp dụng một số mẹo trị ngạt mũi để bé dễ chịu, đỡ quấy khóc.
Dùng khăn ấm đắp lên mũi cho con là mẹo trị nghẹt mũi đơn giản mà hiệu quả. |
Dùng khăn ấm
Nếu bé do bị lạnh mà dẫn đến nghẹt mũi thì các mẹ cần chú ý giữ ấm cho con. Ngoài ra có thể dùng khăn ấm đắp lên mũi cho con giúp con thông mũi và thấy thoải mái hơn.
Hút mũi
Mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút hết dịch, gỉ mũi cho con. Mẹ có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi sau đó hút cho con, hút nhẹ nhàng tránh làm đau và tổn thương niêm mạc mũi của con.
Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho bé rồi hút mũi. |
Dùng dầu tràm
Dùng dầu tràm chấm xung quanh khu vực bé nằm ngủ hay chấm vào quần áo của bé, hoặc cũng có thể dùng đèn xông dầu tràm. Tinh dầu tràm được chứng minh có tác dụng giảm ngạt mũi đáng kể. Lưu ý chỉ nhỏ vài giọt, không nhỏ quá nhiều và làm theo đúng hướng dẫn.
Đi khám bác sỹ
Nếu ngạt mũi là do viêm mũi, bé khó khăn khi hô hấp, quấy khóc không chịu ăn, chơi, ngủ... thì cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sỹ chứ không nên tự ý cho bé uống thuốc tại nhà.
Tuyệt đối không nhỏ sữa mẹ vào mũi bé
Một sai lầm tai hại nhiều mẹ mắc phải đó là nhỏ sữa mẹ vào mũi bé với hy vọng trị tắc nghẹt mũi cho bé. Đây là mẹo được lưu truyền trong dân gian nhưng không hề khoa học và hợp lý. Tuyệt đối không được nhỏ bất kỳ dung dịch nào vào mũi của bé nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, ngoại trừ nước muối sinh lý 0,9%.
Khôi Nguyên
Theo Đời sống & Pháp lý
Đăng nhận xét