Quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. 

Điều 165, Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước (NN) về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Tội cố ý làm trái được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong điều luật cũng xác định rõ yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội. Tội phạm cố ý làm trái không những xâm phạm sự hoạt động quản lý kinh tế đúng đắn của Nhà nước mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho xã hội. Cho nên, bên cạnh các mức hình phạt tù quy định ở các khung, nhà làm luật còn cho phép có thể áp dụng hình phạt bổ sung, như: Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

quy dinh ve toi co y lam trai quy dinh cua nha nuoc ve quan ly kinh te gay hau qua nghiem trong
Quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng - Ảnh minh họa.

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm này bao gồm: Khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm.

Khách thể của tội phạm: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của NN đối với các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của NN. Đối tượng tác động của tội phạm này là các quy định của NN về quản lý kinh tế.

Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của NN trong quản lý kinh tế. Các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế ở đây được hiểu là những quy định của các cơ quan NN có thẩm quyền như Chính phủ, Quốc hội,…quy định của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thì phải đúng thẩm quyền hoặc được Chính phủ ủy quyền hoặc cho phép làm thử để rút kinh nghiệm (ví dụ: các đặc khu kinh tế là những mô hình kinh tế mà ở đó NN cho phép làm thử, tại đó có thể có một số quy định riêng trong quản lý kinh tế). Các quy định của NN về quản lý kinh tế trong từng thời kỳ có thay đổi khác nhau cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước. Do vậy, khi xác định hành vi cố ý làm trái quy định của NN về quản lý kinh tế cần viện dẫn các quy định cụ thể là luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,…

Hành vi cố ý làm trái có thể là thực hiện không đúng (hành động) hoặc không thực hiện (không hành động) các quy định của NN về quản lý kinh tế. Hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi gây hậu quả nghiêm. Còn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn như là một điều kiện, phương tiện, là tiền đề để thực hiện tội phạm cố ý làm trái quy định của NN về quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định về quản lý hành chính, quản lý cán bộ,… trường hợp này có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS). Ngoài ra, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của NN thì bị truy cứu về tội tham ô tài sản (Điều 278 BLHS).

Tội phạm được coi là hoàn thành khi gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng trở lên hoặc thiệt hại dưới một trăm triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là thiệt hại về vật chất cụ thể hoặc có thể là những hậu quả về chính trị, xã hội, như: làm rối loạn thị trường, làm trì trệ sản xuất, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới những hoạt động quản lý kinh tế của NN….

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội là tiền đề để họ làm trái các quy định của NN về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định về quản lý hành chính, quản lý cán bộ… Trong trường hợp này, người phạm tội có thể bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281). Ngoài ra, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bằng các thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản của NN thì bị truy cứu về tội tham ô tài sản (Điều 278).

Chủ thể của tội phạm: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế, kinh doanh, dịch vụ…của NN. Người đồng phạm có thể là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.

Đối với tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể của tội phạm bao gồm cả những nội dung quy định tại Điều 12 và Điều 13 BLHS và dấu hiệu của chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn.

Theo quy định tại Điều 277 BLHS, có thể hiểu rằng: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Quyền hạn của những người có chức vụ, quyền hạn ở đây được thể hiện ở các chức năng: Chức năng chính quyền, chức năng lãnh đạo, chức năng kinh tế, chức năng hành chính. Việc đảm nhận hay được giao chức vụ, quyền hạn có thể thường xuyên, lâu dài hoặc trong một thời gian nhất định.

Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội có lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Người phạm tội nhận thức được hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là nguy hiểm cho xã hội, thấy được hậu quả sẽ xảy ra nhưng vì vụ lợi hay động cơ cá nhân khác nên người phạm tội mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có động cơ mục đích này thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại điểm a khoản 2 Điều 165 BLHS.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Theo Đời sống & Pháp lý