Nền kinh tế Hy Lạp cuối cùng cũng tự đứng vững

Sau 8 năm ròng cùng với khoản tiền vay nợ lên tới 330 tỷ USD, nền kinh tế Hy Lạp cuối cùng cũng tự đứng vững và không cần thêm bất cứ chương trình cứu trợ nào của các chủ nợ châu Âu.

Quốc gia này trong hôm 20/8 đã chính thức thoát khỏi 3 chương trình cứu trợ khổng lồ từng cứu họ khỏi tình trạng vỡ nợ và rủi ro phải rời khỏi khu vực Eurozone. Tuy nhiên, các gói cứu trợ đến từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) đã để lại một hậu quả sẽ còn tồn tại trong nhiều năm sau.
Để đổi lấy gói cứu trợ, Hy Lạp đã phải chấp nhận cắt giảm mạnh tay chi tiêu và thực thi hàng loạt cải cách kinh tế đầy đau đớn. Nhân viên chính phủ bị cắt lương, quỹ lương hưu đóng băng, và tuổi nghỉ hưu của họ cũng được chỉnh lên cao hơn. Chi phí dành cho tiêu dùng sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa...
Nền kinh tế Hy Lạp giờ chỉ có giá trị bằng khoảng 3/4 so với thời điểm năm 2007, tức trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Trong khi đó, họ vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức. Theo thống kê từ Chính phủ Hy Lạp, từ chỗ một đất nước bị thâm hụt ngân sách 15% trong năm 2009, thì nay đã đạt 1% thặng dư trong năm 2017.
Nền kinh tế Hy Lạp đươc dự báo tăng trưởng 2% trong năm nay và 2,4% trong năm 2019, sau khi liên tục thu hẹp trong nhiều năm qua. Nợ công được dự báo sẽ lên đỉnh điểm trong năm nay, lên trên 188% GDP, sau đó mới có thể giảm xuống mức 151% trong năm 2023.
Hy Lạp là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đất nước này vốn đã có khoản nợ khổng lồ sau nhiều năm Chính phủ chi tiêu quá tay, nhưng khủng hoảng tín dụng đã khiến cho các nguồn tài chính của họ trở nên đầy bất ổn. Do sử dụng đồng Euro nên khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp từng gây ảnh hưởng sâu rộng tới khu vực Eurozone, khiến nước này có lần sắp phải rời khỏi khối.
Tính đến thời điểm này, tổng khoản nợ mà Hy Lạp nhận được trong 3 chương trình cứu trợ khổng lồ đã lên tới 288 tỷ Euro (330 tỷ USD).