Những người tuyệt đối không nên ăn nội tạng động vật

Nội tạng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Các loại nội tạng như tim, gan, lưỡi, cật... chứa hàm lượng chất béo, chất đạm, vitamin rất dồi dào. Tuy nhiên, không phải ai ăn phủ tạng động vật cũng tốt, đặc biệt một số người mắc các bệnh như tiểu đường, gút, gan nhiễm mỡ...

Quan niệm "ăn gì là bổ nấy" hoàn toàn sai lầm

Không thể phủ nhận được một sự thật là nội tạng động vật có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Như trong tim, gan chứa nhiều vitamin A và chất sắt, rất có lợi với những người thiếu máu, trẻ em cũng như phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, vì chứa nhiều cholesterol nên người cao tuổi không nên ăn quá nhiều.




Ảnh: songkhoe

Thạc sĩ Lê Thị Hải, hiện đang công tác tại Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: "Nhiều người có quan niệm "ăn gì bổ nấy", vì thế thường xuyên mua óc về cho con ăn để con thông minh.Thực chất thì không phải vậy, vì so với thịt, cá thì hàm lượng chất đạm trong óc lợn chưa bằng một nửa. Đồng thời cholesterol lại quá cao, cho nên nếu trẻ em ăn nhiều thì dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì".

Hay như một số người bị các bệnh về thận, tim cũng cho rằng "ăn gì bổ nấy" nên thường xuyên mua tim, thận về ăn với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh. Theo nghiên cứu, các bệnh về tim, mạch rất dễ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa động mạch nếu sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo. Quan niệm "ăn gì bổ nấy" là hoàn toàn sai lầm và thiếu khoa học.

Gan có hàm lượng dinh dưỡng cao và không hề độc hại

Nhiều người cho rằng ăn gan độc, vì gan là cơ quan bài tiết của động vật. Tuy nhiên điều này có thực sự đúng (Ảnh: suckhoedoisong)

Chị Thu Phương nhà ở Tân Bình, TP. HCM cho biết, trước kia chị cũng thường xuyên mua gan về chế biến thành các món luộc, xào cho gia đình. Thế nhưng từ khi một người bạn "rỉ tai" rằng ăn gan rất độc, không tốt cho sức khỏe, chị đã dừng ngay việc chế biến các món ăn từ gan.

Nói về điều này, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định: "Gan là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất. Rất phù hợp với các bà bầu, phụ nữ trong thời kì sinh nở cũng như trẻ em. Các vitamin A, B, D cùng axid folic có tác dụng làm sáng mắt, bổ mắt. Còn hàm lượng vitamin C và selen sẽ tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lại quá trình oxy hóa, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Vì thế ăn gan là tốt chứ không độc hại gì".

Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Hiệp Nguyễn)

Tuy nhiên bác sĩ cũng khuyến cáo tất cả mọi người cần phải sử dụng loại thực phẩm này điều độ. Trẻ em và người lớn có thể ăn nội tạng từ 30 - 50g mỗi bữa, còn người cao tuổi thì nên ít hơn. Đặc biệt với những ai bị đái tháo đường, gút, tăng huyết áp thì nên kiêng loại thực phẩm này.

Ăn nội tạng động vật thế nào cho an toàn?

Thực tế cho thấy rằng nội tạng động vật tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh nếu như không được chế biến sạch sẽ, đúng cách. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70% bệnh nhân mắc phải bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, lòng lợn. Bên cạnh đó, dạ dày, tá tràng của một số loại động vật như trâu, bò là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Ecoli gây nên bệnh tiêu chảy.

Trước khi chế biến nội tạng cần rửa sạch, sát khuẩn kĩ càng. (Ảnh: cooky)

Để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, tốt nhất bạn chỉ nên ăn những món ăn từ nội tạng động vật do chính gia đình tự chế biến. Khi chọn mua các thực phẩm này, bạn nên đến những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, khi ấn vào mặt tim, gan thì khả năng đàn hồi tốt, không có mùi hôi và bề mặt trơn nhẵn.

Trần Hiếu

Theo Đời sống & Pháp lý