Con sinh ra khỏe mạnh, dễ nuôi, ít ốm vặt nhờ mẹ chăm sóc tốt bản thân lúc thai kỳ

Khi chuẩn bị sinh con, chị Quỳnh Trang (29 tuổi) đã lên kế hoạch cho việc chăm sóc bản thân thật tốt. Trong quá trình mang thai, chị cũng luôn tìm hiểu kiến thức chăm sóc mẹ và bé để con sinh ra được khỏe mạnh.
Theo chị Quỳnh Trang, nếu người mẹ chuẩn bị tốt cho quá trình mang thai, chắc chắn khi sinh con, mẹ sẽ đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc bé. Bé có sức khỏe tốt sẽ ăn ngủ ngoan hơn, mẹ cũng có nhiều thời gian thư giãn, bớt stress để có được nhiều sữa cho con bú.

Cùng trò chuyện với người mẹ trẻ 8x để có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc bản thân có một thai kỳ khỏe mạnh:

- Chào chị, chị có thể chia sẻ một chút về gia đình nhỏ của mình?

- Chào bạn, sau khi có em bé thì hiện tại mình đang ở nhà chăm con và đợi khi bé đi nhà trẻ mới đi làm trở lại. Gia đình mình vừa chuyển về Singapore được gần 1 tháng. Trước đó thì vợ chồng mình ở Mỹ 4 năm. Cả hai đều đi học nhưng sau khi có bầu mình xin bảo lưu. Chồng mình học xong về công tác ở Singapore.

con sinh ra khoe manh de nuoi it om vat nho me cham soc tot ban than luc thai ky
Chị Quỳnh Trang khi đang mang thai ở những tháng đầu tiên.

- Trước khi quyết định mang thai, chị đã chuẩn bị những gì?

- Khi quyết định có bầu, mình đến bác sĩ khám tổng quát xem có vấn đề gì về sức khỏe không. Mình được bác sĩ bên đó tư vấn rất kỹ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, khuyên uống viên bổ sung vitamin tổng hợp, loại dành cho người muốn có bầu và đang bầu.

Chẳng hạn, không dùng đồ uống chứa chất cồn như bia rượu, ăn uống nghỉ ngơi lành mạnh, tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng và dễ dàng hơn cho việc thụ thai. Sau đó mình canh ngày rụng trứng. Theo mình việc canh ngày trứng rụng rất quan trọng. Vì sau đó có thể ước tính thời điểm thụ thai nếu xảy ra. Nhờ vậy bản thân có thể chủ động hơn về chế độ ăn uống sinh hoạt, phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc.

Trên thực tế, có không ít trường hợp phụ nữ mang thai nhưng do chưa đi vào tổ nên không hề hay biết. Đến khi sảy cũng không biết vì nó như máu đi ra ngoài nhưng lại tưởng là kinh nguyệt (Trường hợp này do bác sĩ kể lại với mình).

Về tiêm vắc xin, trước khi có bầu 2 tháng, mình được khuyên tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và Rubella. Nếu không kịp tiêm trước thì có thể tiêm giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ cũng được.

Ngay khi biết tin có thai, mình đến kiểm tra sức khỏe lần nữa. Sau đó, bệnh viện chỉ định một bác sĩ riêng, là người trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe của mình suốt thời gian bầu bí. Việc có bác riêng như thế thật sự rất thuận tiện vì khi có bất cứ vấn đề gì, mình có thể nhắn tin hoặc gọi điện hỏi ý kiến bác sĩ, xin tư vấn trực tiếp qua điện thoại chứ không cần phải đến bệnh viên liên tục. Mặt khác, nhờ vậy mà việc theo dõi thai kỳ cũng dễ dàng hơn khi mọi thông tin về sức khỏe đều được vị bác sĩ đó nắm bắt kịp thời.

con sinh ra khoe manh de nuoi it om vat nho me cham soc tot ban than luc thai ky
Chị Trang khi chuẩn bị sinh.

- Trong thời gian mang thai, chị đã chăm sóc bản thân như thế nào?

- Trong thời kỳ mang bầu mình tiêm vắc-xin Tdap (phòng uốn ván) và 1 loại nữa phòng bệnh cúm. Nhờ vậy trong suốt hơn 9 tháng thai kỳ và đến bây giờ bé đã được hơn 8 tháng, mình chưa bị ốm dù chỉ ốm vặt một lần nào cả.

Về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, theo mình các mẹ bầu nên chú ý những vấn đề sau:

+ Uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít mỗi ngày và không khát cũng uống. Khi đi tiểu thấy nước vàng có nghĩa là cơ thể mình đang bị thiếu nước, phải uống nhiều để bù vào. Còn nước tiểu trong bình thường nghĩa là cơ thể đã được cung cấp đủ lượng nước cần thiết.

+ Tập yoga đều đặn hàng ngày. Mỗi ngày các mẹ bầu hãy duy trì tập 30 phút. Hôm nào mệt cũng ráng tập lấy 10-15 phút. Yoga không chỉ giúp cơ thể bà bầu khỏe mạnh, dẻo dai mà còn hạn chế bị đau lưng hay phù nề chân tay. Mình suốt thai kỳ hầu như rất ít khi đau lưng, đi lại, hoạt động rất nhanh nhẹn. Nhất là giai đoạn 3 tháng đầu, việc uống nhiều nước và tập yoga đều đặn cũng giúp giảm ốm nghén nhiều.

+ Ăn nhiều trái cây, rau xanh, đặc biệt các loại rau làm salad như cà chua, dưa chuột, cà rốt, xà lách, ớt chuông, rau bina... Rau luộc cũng tốt nhưng hàm lượng vitamin trong rau sau khi luộc đã bị mất đi một nửa rồi. Ở nước ngoài phần lớn họ ăn rau sống (trong món salad) chứ không luộc như Việt Nam mình. Ăn các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân... và hoa quả sấy khô cũng rất tốt.

+ Đi bộ mỗi ngày tầm 30 phút. Đi từ từ, nhẹ nhàng.

+ Uống vitamin tổng hợp cho bà bầu mỗi ngày.

+ Tìm mua sách đọc cho bé. Việc đọc truyện thiếu nhi mỗi ngày ngay từ khi khi bé còn trong bụng mẹ sẽ giúp bé làm quen với giọng nói của mẹ, tăng cường mối liên kết mẹ-con và tăng khả năng nhận thức cho bé.

- Được biết giai đoạn đầu chị bị ốm nghén, chị đã làm thế nào để bé trong bụng được phát triển tốt?

- Trong giai đoạn 3-4 tháng đầu khi bị ốm nghén nên nhiều lúc không ăn uống như bình thường nên mình ăn bánh quy mặn (bổ sung calories và cũng làm giảm nghén), uống nhiều nước (bao gồm nước lọc, nước trái cây, sữa tươi không đường). Ở Mỹ, mình thấy không 1 bà bầu nào uống sữa bầu mà chỉ dùng sữa tươi không đường (mà sữa bầu cũng ko được bày bán). Sữa bầu chứa quá nhiều dưỡng chất, dễ gây ngán, tăng cân nhiều và có nguy cơ bị bệnh béo phì, loại bệnh rất nguy hiểm cho bà bầu khi sinh.

con sinh ra khoe manh de nuoi it om vat nho me cham soc tot ban than luc thai ky
Hình ảnh em bé nhà chị Trang lúc mới sinh.

- Chị đã bổ sung các loại vitamin như thế nào trong thời gian mang thai?

- Mình đã uống viên vitamin tổng hợp loại có bổ sung DHA. Bác sĩ khuyên nếu uống viên tổng hợp thì không cần dùng thêm viên sắt hay canxi... gì nữa. Trong 1 viên vitamin tổng hợp uống mỗi ngày đã được chia ra và bao hàm đầy đủ lượng vitamin và các vi chất cần thiết cho cơ thể bà bầu. Nếu uống thêm mà không có chỉ định của bác sĩ thì dễ gây thừa hoặc thiếu hụt chất này hoặc chất kia, rất nguy hiểm cho thai nhi.

- Trong thời gian mang thai chị đã siêu âm mấy lần?

- Về vấn đề siêu âm, mình thường siêu âm theo các mốc:

3 tháng đầu thai kỳ thì bác sĩ chỉ định siêu âm 1 tháng 1 lần. Đây là thời kỳ quan trọng và khá nguy hiểm với thai nhi nên bác sĩ cần theo dõi liên tục.

Sau đó thì mình siêu âm vào tháng thứ 5 (để biết giới tính) và tháng thứ 8.

Bắt đầu tháng cuối cùng mình được chỉ định siêu âm hàng tuần để theo dõi tình hình em bé xem bé có vấn đề sức khỏe gì không, đã xoay ngôi thai chưa...

con sinh ra khoe manh de nuoi it om vat nho me cham soc tot ban than luc thai ky
Hình ảnh khi bé mới sinh được da tiếp da.
con sinh ra khoe manh de nuoi it om vat nho me cham soc tot ban than luc thai ky
Em bé được an tâm hơn khi mẹ ôm ấp sau sinh.

- Điều chị thích nhất dịch vụ y tế ở Mỹ là gì?

- Điều mình thích và an tâm ở Mỹ là ngoài dịch vụ y tế cực kỳ tốt thì rất ít bà bầu khi phải đẻ mổ. Chỉ trừ trường hợp khẩn cấp hay nguy hiểm, hoặc mẹ bầu có tiền sử bệnh nguy hiểm buộc phải mổ thì mổ thôi.

- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với chuyên mục. Chúc gia đình chị luôn hạnh phúc.

Mỹ Anh (Ảnh NVCC)

Theo Đời sống & Pháp lý